Đó là ý kiến được Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà đưa ra tại phiên họp sáng qua (16.8) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại phiên họp được kết nối tới các tỉnh, thành trên cả nước và truyền hình trực tiếp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), và các đại biểu QH (ĐBQH) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng về công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị…
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về tình hình quy hoạch đô thị hiện nay. Nhiều đô thị xây dựng mở đường rất lớn nhưng phố xá nhếch nhác, nhiều nhà siêu mỏng. “Có tình trạng lợi dụng việc biết trước quy hoạch để trục lợi không? Trách nhiệm của Bộ trưởng thế nào để khắc phục?”, ĐB Thúy nêu vấn đề. Trả lời, Bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa nhận quy hoạch đô thị chưa đạt yêu cầu về chất lượng, thiếu đồng bộ. Theo ông Phạm Hồng Hà, đó là do các cơ quan quản lý nhà nước không làm đúng chức trách. “Sau khi có quy hoạch, phải có chương trình, kế hoạch, có dự án trọng tâm trọng điểm, công bố thông tin, cắm mốc nhưng việc này tiến hành chậm”, ông Hà nói và thừa nhận thanh tra kiểm tra không thường xuyên, liên tục, xử lý một số vụ việc không kịp thời đã tạo tiền lệ cho vi phạm. Liên quan câu hỏi có trục lợi trong lập, tổ chức thực hiện quy hoạch không, ông Hà cho hay: “Về cơ bản thì không có, nhưng ở một số trường hợp cụ thể có biểu hiện trục lợi, lợi ích nhóm trong xây dựng, tổ chức quy hoạch”.
|
ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng trước tình trạng xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm đất công, lấn chiếm đất nông nghiệp kể cả đất quốc phòng – an ninh. Nhận trách nhiệm về vấn đề trên nhưng Bộ trưởng Hà cho rằng để cam kết chấm dứt xây dựng sai phép rất khó. “Chúng tôi nhận trách nhiệm nhưng cam kết không để xảy ra sai phạm nữa thì rất khó”, ông Hà nói.
Hà Nội nhận trách nhiệm việc chậm xử lý tòa nhà 8B Lê Trực
Tại phiên chất vấn, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng, Phó chủ nhiệm UB Quốc phòng, An ninh QH đã đặt câu hỏi về việc chậm xử lý sai phạm tại tòa nhà số 8 Lê Trực (Hà Nội). Được Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển yêu cầu trả lời, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nhận trách nhiệm của Hà Nội về sự chậm trễ này, đồng thời cho biết nguyên nhân có liên quan vấn đề kỹ thuật.
Ông Chung khẳng định Hà Nội đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về vụ việc này và đến nay đã hoàn thành xử lý giai đoạn một là hạ toàn bộ tầng 19 của tòa nhà. Để xử lý các tầng tiếp theo (từ tầng 14 – 18), chủ đầu tư đang cùng TP.Hà Nội trình Bộ Xây dựng thẩm định phương án kỹ thuật, trong đó có vấn đề đảm bảo an toàn của tòa nhà. Ông Chung cam kết Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng để đẩy nhanh tiến độ thẩm định kỹ thuật và sẽ công khai với dư luận.
Với các công trình vi phạm xây dựng khác trên địa bàn, Chủ tịch Hà Nội thừa nhận có tình trạng các chủ đầu tư vi phạm quy hoạch chi tiết. Dẫn chứng trường hợp khu đô thị Đại Thanh của Doanh nghiệp Mường Thanh vi phạm về chiều cao và mật độ xây dựng, ông Chung nhìn nhận trách nhiệm trước hết thuộc về TP.Hà Nội đã thiếu giám sát, kiểm tra, đặc biệt là liên quan đến lực lượng thanh tra chuyên ngành. Ông Chung cho hay từ năm 2016 đến nay, các đoàn kiểm tra của Thành ủy Hà Nội đã kiểm tra và xử lý 18 cán bộ diện Thành ủy quản lý có liên quan đến sai phạm của các công trình, dự án xây dựng.
Giải đáp một số vấn đề liên quan quy hoạch xây dựng, quản lý hạ tầng đô thị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay TP.HCM đang chịu áp lực lớn về hạ tầng do luôn trong tình trạng quá tải. Theo quy hoạch chung, dân số đến năm 2025 của TP.HCM là 10 triệu người, nhưng thực tế hiện nay con số này đã lên tới 13 triệu người thường xuyên sinh sống và làm việc.
Theo ông Phong, chỉ có thể dùng biện pháp phát triển giao thông công cộng để giải quyết ùn tắc, đồng thời nhắc đến giải pháp chủ động giãn dân ra ngoại thành, đô thị hóa nhanh chóng để tạo sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, xã hội.
|
Theo Trường Sơn (thanhnien.vn)